tab

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG ĐẾN VỚI ĐỘNG PHONG NHA KẺ BÀNG

ĐỘNG PHONG NHA LÀ BÀI CA TẠO HÓA 
 
    * Thứ .......ngày.....tháng..... năm.....
        Sáng nay lúc 5 giờ, xe đưa Đoàn đến tỉnh Quảng Bình để tham quan Động Phong Nha. 7 giờ 15 xe tới vĩ tuyến 17, điểm tâm sáng ở một quán ven đường (Đây là dịp để cho cánh tu mi nam tử “ghẹo” mấy nàng tiếp viên thật là “dzui dzẻ”, làm cho quý cô nương thích chí đỏ cả mặt... Anh em còn muốn ở lại quán lâu hơn, nhưng vì lịch trình đã ấn định nên đành phải “gút bai”. Tạm biệt các cô nàng duyên dáng miền Trung xinh đẹp, thấy mà thương thương nhớ nhớ thế nào ấy! Lên xe rồi mà vẫn còn dư âm từ hai phía: “ Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, hợp duyên sẽ lại ghé thăm liền”.
        Xe đã lăn bánh rồi mà mấy chàng còn thò đầu ra khỏi xe vẫy tay chào tạm biệt, sao mà mùi mẫn thế cơ chứ. Bỏ lại vĩ tuyến 17 sau lưng. Nhìn về phía trước, từ xa, dãy Trường Sơn hiện ra trước mắt, động Phong nha nằm sâu trong dãy núi đó. Khoảng cách từ Quảng Trị đến Quảng Bình không xa lắm, nhưng vì đường đi đang thi công sửa chữa nên mãi 9 giờ 15 Đoàn mới đến được “Văn phòng du lịch”. Từ nơi dừng xe đến động Phong Nha là đường thủy, nên Đoàn xuống 3 chiếc thuyền nhỏ để đi vào. Mãi đến 9 giờ 40, chúng tôi mới xuống thuyền ra khơi với 500 mét đường thủy thật an toàn và trống vắng. Lúc thuyền chui vào cửa động, ai cũng thấy “oóc, oóc” bên tai. Vào bên trong rồi mới thấy đây là công trình kỳ diệu của Tạo Hóa, hai bên là vách đá, trên đầu là những nhũ thạch treo lơ lửng với hàng ngàn hình thù khác nhau (tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người). Lòng sông rộng khoảng 5 – 7 mét, nhưng quanh co, cong queo và rất sâu, nước thì lạnh và trong vắt. Với cảnh thiên nhiên đẹp đẽ như vậy, cảnh vật và con người cùng vây quyện lấy nhau như hình với bóng. Đây là một trong những địa điểm xứng tầm với lời nhận xét của du khách: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
         Đến 11 giờ 30, Đoàn tạm biệt Phong Nha trở về điểm hẹn dùng cơm trưa. Nhiều Anh chị lên tiếng: “Đời mình như vậy quả là may mắn, được đến Phong Nha một lần là mãn nguyện lắm rồi”
Bạn ơi! Đến đất Quảng Bình
Là eo thon nhỏ của hình Việt Nam
Nơi đây cảnh đẹp vô vàn
Núi non trùng điệp, ngút ngàn trời xanh
Sông yên, biển lặng yên lành
Cỏ cây hoa lá: nhành nhành tốt tươi
 Đẹp nhất vẫn mãi tình người
Chân thành chung thủy, miệng cười lòng vui
“Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
Trường Sơn điệp điệp trùng trùng
Tạo cho Nước Việt anh hùng lừng vang
Phong Nha tuyệt đẹp động hang
Huy hoàng lộng lẫy, trăm đàng ngợi khen
Bàn tay Tạo Hóa dựng nên
Kỳ quan thắng cảnh vững bền thiên thu
Vào hang có lúc mịt mù
Sông sâu, nước lạnh, khách du rùng mình
Trên đầu muôn dạng dáng hình
Nhũ thạch nhủ xuống lung linh sáng ngời
Tìm đâu cảnh đẹp trên đời
Như Phong Nha đó, muôn đời còn vang
Tạ ơn Thượng Đế trao ban
Việt Nam lại có không gian cửa trời
Đến đây như thể lên trời
Lòng người siêu thoát, tuyệt vời đắm say
Ước gì mãi ở nơi đây
Thiên cung tráng lệ, ngất ngây tình người
PHONG NHA NHÉ! TRỌN ĐỜI THƯƠNG NHỚ!!!
                                                                   HOÀI THANH

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG ĐI VỀ LA VANG


NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG

                Mình có thói quen viết nhật ký, nhất là vào những dịp được đi hành hương, tham quan hoặc du lịch. Qua nhật ký mình sẽ lưu lại được những kỷ niệm vui – buồn trong quá khứ, đồng thời sẽ là tư liệu để vận dụng vào các hoạt động trong cuộc sống. Hôm nay, mình ghi lại đây một vài trang nhật ký trong một chuyến hành hương về miền Trung. Các bạn đọc và cho ý kiến nhé!

      * Ngày......tháng......năm ..........
ĐẾN THÁNH ĐỊA LA VANG





 (Đức Mẹ La Vang)
          Đúng 4 giờ sáng, Đoàn chúng tôi tạm biệt Giáo xứ Mỹ Sơn và Đức Mẹ Trà Kiệu để lên xe tiếp tục cuộc hành hương đến Thánh địa La Vang. Trong lòng ai nấy đều cảm thấy tràn ngập nhớ thương và lưu luyến với biết bao kỷ niệm thân thương tha thiết ở Giáo xứ Mỹ Sơn này.
         Xe của chúng tôi trực chỉ đường ra Quảng Trị. Đến 7 giờ 30 thì tới đèo Hải Vân, đây là một ngọn đèo khá cao ở miền Trung. Xe “bò” lên từ từ, ngồi trên xe nhìn sang phía tay phải là vực thẳm sâu hun hút, còn phía bên trái là sườn núi dựng đứng. Xe men theo triền núi lòng vòng mà “nhích” lên trời cao mây mù. Gió thì thổi ù ù bên tai, cùng với khung cảnh bồng bềnh trên mây đã khiến cho khách hành hương cảm thấy ớn lạnh. Chiếc xe thì ngoan ngoãn rướn lên theo sự điều khiển chuyên nghiệp của bác tài để tiếp tục bò trên những đoạn đường quanh co uốn lượn, có những chỗ cua gắt, chiếc xe chao đảo tưởng như đổ kềnh ra đường, ai nấy đều phát ớn. Lên đến đỉnh đèo, xe dừng lại để Đoàn xuống tham quan hay có bạn nào vui vẻ “hát” một bài cho vơi nhẹ cõi lòng thì cũng là dịp “nghìn năm một thuở”, lại có bạn thấy cảnh trời mây mộng mị, nên thơ hữu tình nên nhanh tay chụp vài kiểu hình làm kỷ niệm. 8 giờ 30 chúng tôi lên xe để đổ dốc xuống đèo, lúc này xe chạy chứ không còn bò như lúc lên nữa.






 (Đèo Hải vân)
        11 giờ 30 xe tới Phú Bài, qua Dòng Chúa Cứu Thế, Phú Cam, cầu Tràng Tiền... rồi đến chợ Đông Ba (TP Huế), mỗi người tùy theo sở thích mà ra thăm chợ Huế hay thả bộ thẩn thơ bên dòng sông Hương hiền hòa êm ái của xứ Huế mộng mơ. Sau đó tập trung vào nhà hàng Kim Thanh để dùng cơm trưa. Đây là quán nổi tiếng ngon,bổ và rẻ của Đất Kinh Kỳ. Thật thế với những đặc sản của Cố Đô đưa ra thật nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”, “vừa chan vừa húp”, đặc biệt là hương vị đậm đà của Đất Thần Kinh thương nhớ này. Buổi chiều, Đoàn ghé thăm Chùa Thiên Mụ và Thành Nội là nơi làm việc của các Vị Vua ngày xưa...
          17 giờ 15, Đoàn tới Thánh Địa La Vang (Điểm đích của cuộc hành hương). Thế là ước mơ của mọi người trong Đoàn đã thành hiện thực, ai cũng vui vẻ và mãn nguyện





Đây La Vang Thánh Địa
Dừng bước chân người ơi!
Bạn có nghe tiếng gió rít chân đồi
Lời tâm sự rừng hoa sim lá rụng



(Người người về Thánh địa La Vang)
Anh có nghe nhạc thùy dương lồng lộng
Suối tre vàng theo gió chảy chiều mơ
Chị có nghe lời kinh nguyện đền thờ
Theo tháp trắng trời cao lên bát ngát
Bạn có nghe sớm chiều chuông ca hát
Rất ngọt ngào như tình Mẹ người ơi!
             19 giờ 30, Đoàn đến kề cận bên cạnh Mẹ La Vang để dâng lời cầu nguyện chân thành và tha thiết lên Mẹ. Thánh lễ trang trọng cũng được mọi người hiệp dâng ngay tại đó. Cảm động quá! Chưa bao giờ lại thấy lòng mình sốt sắng như đêm nay với những lời nguyện cầu phát xuất từ tận tấm lòng đơn sơ nhỏ bé của Đoàn con Mẹ.
Lạy ơn Đức Mẹ La Vang
Xin nghe con mọn thở than mấy lời
Mẹ là Mẹ Chúa Ngôi Lời
Muôn vàn Thần Thánh đời đời kính cung
Mẹ tuy rực rỡ nghìn trùng
Nhưng mà Mẹ vẫn đến cùng nơi đây
Mẹ yêu chọn lấy nơi này
Gót chân Mẹ đến còn đầy ơn thiêng
Mẹ ban hạnh phúc bình yên
Khắp nơi nghe tiếng lệnh truyền Mẹ ban
Lạy ơn Đức Mẹ La vang
Xin nghe con mọn thở than mấy lời
Hôm nay ghi nhớ trọn đời
Quỳ dưới chân Mẹ: cuộc đời đẹp tươi.
              Đó là những lời khấn nguyện chân thành của chúng con, vì chúng con biết rằng: “Chẳng ai chạy đến với Mẹ, kêu xin sự gì mà Mẹ lại từ chối”. Chúng con cảm thấy thật vững dạ an lòng Mẹ ơi!
                  Tôi đã đến La Vang
                  Có cát bụi bay vàng
                  Bôi hoen màu áo Mẹ
                  Nhuộm đỏ cánh rừng hoang
       Vượt dặm đường cách trở
                                                Tình dâng lên trong tôi
                                                Ánh sao đêm bỡ ngỡ
                                                Ôm trọn tấm lòng tôi
                                                             Và đêm nay trăng đổ
                                                             Gió về lướt mái hiên
                                                             Sao cùng giăng khắp ngõ
                                                             Chạnh nhớ bóng Mẹ hiền
              22 giờ đêm, Đoàn trở về nhà trọ để nghỉ đêm, một đêm tràn đầy hồng ân của Mẹ La Vang.
                                                         VINCENTÊ HOÀI THANH
(Còn nữa, lần sau: Đến động Phong Nha là bài ca Tạo Hóa)

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

VUI TẾT TRUNG THU 2011


VUI TẾT TRUNG THU 2011
             Theo phong tục của người Việt Nam chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân để cúng mặt trăng. Trong niềm vui vẻ của ngày tết; người lớn thì uống trà, rượu, ngắm trăng và hát trống quân; trẻ em thì đi rước đèn, xem múa lân, ca múa những bài hát về chú Cuội, chị Hằng và vui hưởng các loại bánh kẹo, trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo, trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là “phá cỗ”.
             Vào dịp tết Trung Thu, người ta làm đủ thứ lồng đèn nào là các loại cá, chim, bướm, gà, vịt, tàu bay, tầu thủy, kéo quân... nhiều nhất vẫn là những ngôi sao với đủ màu sắc lấp lánh  được thắp bằng những cây nến để treo trong nhà, ngoài hiên hoặc cho trẻ em đem đi rước đèn dưới ánh trăng rằm.
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...
Tùng dinh dinh là tùng tùng dinh
             Còn cỗ mừng Trung Thu gồm có bành Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các loại hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể, từ đó tình yêu gia đình lại càng thêm thắm thiết và khắng khít hơn.
             Cũng trong dịp này, người ta mua bánh Trung Thu, trà , rượu để cúng Tổ Tiên, kính biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các vị ân nhân của mình. Đó chính là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng quan tâm săn sóc giúp đỡ nhau.
             Ngày xưa, người ta thường tổ chức hát trống quân trong dịp tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Hát trống quân còn là dịp để các bạn nam thanh nữ tú hát đối đáp với nhau, vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm cho họ.
Trống quân, trống quýt, trống còi
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta
Trống quân ta đánh nhịp ba
Lúc vào nhịp bẩy, lúc ra nhịp mười
              Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên, ăn bánh, uống trà và ngắm trăng rằm vào giữa tiết thu. Dần dần tết Trung Thu trở thành tết Trẻ Em hay tết Nhi Đồng, nhưng người lớn vẫn tham dự để tạo niềm vui cho các em. Trẻ em được người lớn quan tâm, săn sóc; được vui chơi, rước đèn, ca hát, phá cỗ, nhất là được ăn bánh kẹo một cách thoải mái.
              Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó chính là sự quan tâm,săn sóc; lòng báo hiếu, biết ơn; tình thân hữu, yêu thương... Chúng ta nên duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.
Mỗi năm bao dịp tết về
Người người náo nức tràn trề hân hoan
Trung Thu tết của kết đoàn
Trẻ em phấn khởi, lòng tràn vui ca
Rước đèn rộn rã nhà nhà
Đèn sao, đèn bướm thật là đẹp thay
Kéo quân, cá chép, tàu bay
Thôi thì đủ loại, giăng đầy khắp nơi
Trái cây, bánh kẹo, mâm xôi
Gà quay, vịt hấp ăn thời thấy ngon
Múa lân trống đệm thật dòn
Sư tử xuất hiện lại còn vui hơn
Đâu đâu cũng hát cũng đờn
Quên đi mệt mỏi, giận hờn xua tan
Tứ phương trăng sáng vô vàn
Chị Hằng, chú Cuội cũng đang hội mừng
Trung Thu vui vẻ tưng bừng
Ngày tết của trẻ vang lừng bao la
Thầy cô, anh chị, mẹ cha
Quan tâm chăm sóc thật là yêu thương
Nơi nơi thôn xóm, phố phường
Tuổi thơ vui vẻ, rộn đường hoan ca
Trung Thu tình nghĩa chan hòa
Mọi người chung hưởng để mà thân thương
                                              HOÀI THANH ( CN 11/9/2011 – 14 tháng 8 Tân Mão)

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

VUI NGÀY KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2011 – 2012

VUI NGÀY KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2011 – 2012



 

            



          Ngày mai thứ hai 05 tháng 9 năm 2011 là ngày khai giảng năm học mới 2011 – 2012, cũng là ngày “Toàn dân đưa trẻ tới trường”. Đây là Ngày Hội lớn, ngày hội ngộ họp mặt trong bầu không khí tưng bừng và phấn khởi của đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh trong cả nước.
          Quê tôi, một huyện đầu nguồn thuộc thành phố Cần Thơ “Gạo trắng nước trong” mà ai ai khi đến thăm đều biết và nhớ về nhửng dòng thơ chân tình sau đây:

Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó, lòng không muốn về
Vĩnh Thạnh tình nghĩa tràn trề
Ai đến nơi đó, khi về nhớ thương
*
Thạnh An lúa gạo thật nhiều
Truyền thống hiếu học là điều sáng trong
Quân, dân, chính, Đảng một lòng
Dựng xây Tổ quốc ngát nồng hương hoa
Ai đi qua lại vào ra
Ghé thăm cho biết để mà kết Thân


 

       Do là huyện đầu nguồn, nên hiện nay trên
các dòng sông lớn nhỏ, nước lũ đã tràn về.
Một số năm trước đây, cũng vào thời điểm bước
vào năm học mới thì nước lũ dâng lên, tràn
ngập ruộng đồng, đường xá, nhà cửa, trường học.
...đâu đâu cũng toàn là nước và nước. Ở trong
điều kiện và hoàn cảnh như vậy, việc đi lại thật là
khó khăn, các em học sinh phải tạm thời nghỉ học.
Những năm gần đây, nhà cửa, đường xá được tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp nên không còn ảnh hưởng bởi nước lũ như trước đây nữa, thế nhưng các trường vẫn tập trung học sinh và đi vào chương trình giảng dạy từ trung tuần tháng 8 và vẫn giữ gìn truyền thống khai giảng năm học mới vào ngày 05 tháng 9 theo thông lệ như tất cả các trường khác trên phạm vi toàn quốc.
         Trong năm học mới này, Bộ Giáo dục – Đào tạo nêu lên bốn nhiệm vụ trong tâm như sau:
         - Một là: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục.
         - Hai là: Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục.
         - Ba là: Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo bà cán bộ quản lý giáo dục.
         - Bốn là: Phát triển mạng lưới trường lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.
                                                                                   Năm học  2011 – 2012 còn có ý nghĩa                                                                                      
                                                                            Rất quan trọng, là năm học đầu tiên thực hiện
                                                                            Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
                                                                            XI. Để thực hiện tốt sứ mệnh”Nâng cao dân
                                                                            Trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng
                                                                            Nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất
                                                                            Nước, xây dựng nền văn hóa và con người
                                                                            Việt Nam”
                                                                                    Chào mừng năm học mới. Xin kính
                                                                            Chúc Quý Thầy Cô giáo và các em học sinh
                                                                            Đạt thật nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua  “Dạy tốt và học tôt”. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.                                                                        

Mừng ngày khai giảng năm nay
Thầy trò phấn khởi tràn đầy hân hoan
Quê hương đẹp đẽ vô vàn
Giáo dục phát triển, lập ngàn kỳ công
Thầy cô thắm đượm”chuyên hồng”
Học sinh ngoan giỏi vui lòng mẹ cha
Chất lượng thăng tiến chan hòa
Trường lớp xây dựng thật là đẹp thay
Vui lên, vui mãi từng ngày
Mái trường rộn rã tràn đầy tiếng ca
Yêu thương tỏa rộng thiết tha
Trường học thân thiện hài hòa thân thương
Ngày mai trên khắp nẻo đường
Thầy trò tề tựu bên trường mến yêu
Chúc cho thành tích thêm nhiều
Trăm hoa đua nở, vạn điều vươn cao
Khai trường hạnh phúc dạt dào
Tương lai tuổi trẻ tự hào hôm nay.
                                                                               HOÀI THANH (CN 04/9/2011)