VUI TẾT TRUNG THU 2011
Theo phong tục của người Việt Nam chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân để cúng mặt trăng. Trong niềm vui vẻ của ngày tết; người lớn thì uống trà, rượu, ngắm trăng và hát trống quân; trẻ em thì đi rước đèn, xem múa lân, ca múa những bài hát về chú Cuội, chị Hằng và vui hưởng các loại bánh kẹo, trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo, trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là “phá cỗ”.
Vào dịp tết Trung Thu, người ta làm đủ thứ lồng đèn nào là các loại cá, chim, bướm, gà, vịt, tàu bay, tầu thủy, kéo quân... nhiều nhất vẫn là những ngôi sao với đủ màu sắc lấp lánh được thắp bằng những cây nến để treo trong nhà, ngoài hiên hoặc cho trẻ em đem đi rước đèn dưới ánh trăng rằm.
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...
Tùng dinh dinh là tùng tùng dinh
Còn cỗ mừng Trung Thu gồm có bành Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các loại hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể, từ đó tình yêu gia đình lại càng thêm thắm thiết và khắng khít hơn.
Cũng trong dịp này, người ta mua bánh Trung Thu, trà , rượu để cúng Tổ Tiên, kính biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các vị ân nhân của mình. Đó chính là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng quan tâm săn sóc giúp đỡ nhau.
Ngày xưa, người ta thường tổ chức hát trống quân trong dịp tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Hát trống quân còn là dịp để các bạn nam thanh nữ tú hát đối đáp với nhau, vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm cho họ.
Trống quân, trống quýt, trống còi
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta
Trống quân ta đánh nhịp ba
Lúc vào nhịp bẩy, lúc ra nhịp mười
Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên, ăn bánh, uống trà và ngắm trăng rằm vào giữa tiết thu. Dần dần tết Trung Thu trở thành tết Trẻ Em hay tết Nhi Đồng, nhưng người lớn vẫn tham dự để tạo niềm vui cho các em. Trẻ em được người lớn quan tâm, săn sóc; được vui chơi, rước đèn, ca hát, phá cỗ, nhất là được ăn bánh kẹo một cách thoải mái.
Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó chính là sự quan tâm,săn sóc; lòng báo hiếu, biết ơn; tình thân hữu, yêu thương... Chúng ta nên duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.
Mỗi năm bao dịp tết về
Người người náo nức tràn trề hân hoan
Trung Thu tết của kết đoàn
Trẻ em phấn khởi, lòng tràn vui ca
Rước đèn rộn rã nhà nhà
Đèn sao, đèn bướm thật là đẹp thay
Kéo quân, cá chép, tàu bay
Thôi thì đủ loại, giăng đầy khắp nơi
Trái cây, bánh kẹo, mâm xôi
Gà quay, vịt hấp ăn thời thấy ngon
Múa lân trống đệm thật dòn
Sư tử xuất hiện lại còn vui hơn
Đâu đâu cũng hát cũng đờn
Quên đi mệt mỏi, giận hờn xua tan
Tứ phương trăng sáng vô vàn
Chị Hằng, chú Cuội cũng đang hội mừng
Trung Thu vui vẻ tưng bừng
Ngày tết của trẻ vang lừng bao la
Thầy cô, anh chị, mẹ cha
Quan tâm chăm sóc thật là yêu thương
Nơi nơi thôn xóm, phố phường
Tuổi thơ vui vẻ, rộn đường hoan ca
Trung Thu tình nghĩa chan hòa
Mọi người chung hưởng để mà thân thương
HOÀI THANH ( CN 11/9/2011 – 14 tháng 8 Tân Mão)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét